Friday 19 April 2024

NGA CHẶT TAY TÙ BINH UKRAINE ĐỂ HỌ MẤT KHẢ NĂNG CHIẾN ĐẤU (Như Hồ / Saigon Nhỏ)

 



Nga chặt tay tù binh Ukraine để họ mất khả năng chiến đấu

Như Hồ  -  Saigon Nhỏ

 16 tháng 4, 2024

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nga-chat-tay-tu-binh-ukraine-de-ho-mat-kha-nang-chien-dau/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-2035712260-1024x682.jpg

Thân nhân của những người bảo vệ Ukraine bị Nga bắt giữ cầm biểu ngữ và cờ để hỗ trợ các tù nhân chiến tranh trước tượng đài nhà thơ Ukraine Taras Shevchenko vào ngày 24 Tháng Hai 2024 tại Lviv, Ukraine. (Hình: Les Kasyanov/Global Images Ukraine via Getty Images)

 

Đang có những cáo buộc được đưa ra từ phía Ukraine, nói rằng họ tin các lực lượng xâm lược Nga đang có thủ thuật cắt cụt bàn tay, hoặc cả cánh tay của các tù binh Ukraine, nhằm cắt đứt hoàn toàn khả năng quay lại chiến trường, khi được giao trả cho Kyiv.

 

Tiết lộ này được đưa ra trước báo cáo của Ủy Ban Điều Tra Liên Hợp Quốc trong tuần này, dự kiến ​​sẽ dấy lên những ngôn luận gay gắt về cách đối xử man rợ đối với các Tù nhân Chiến tranh Ukraine (PoW) từ các trung tâm giam giữ ở Nga và ngay cả ở các vùng đang chiếm đóng tại Ukraine.

 

Chủ tịch hội đồng, thuộc Ủy Ban Điều Tra Liên Hợp Quốc, ông Erik Mose, cho biết: “Chúng tôi lo ngại về quy mô, tính liên tục và mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm và tội phạm mà ủy ban đã điều tra cũng như tác động đối với các nạn nhân.”

 

Ít nhất 70 binh sĩ Ukraine bị bắt được cho là đã bị cắt cụt chân tay. Đây là những chứng cứ hiển nhiên.

 

Mặc dù đây là lần đầu tiên quân đội Nga bị buộc tội về cách hành xử bị coi là tội ác chiến tranh này, kể từ cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine vào năm 2022, nhưng trên thực tế, cách thức “chặt tay” này được thực hiện bởi những người lính đánh thuê thuộc nhóm quân sự ‘tư nhân’ Wagner của Nga từ đầu cuộc chiến.

 

Mô tả chuyến viếng thăm các cựu chiến binh Ukraine tại Trung Tâm Y Tế Chỉnh Hình Và Chân Tay Giả ở Silver Spring, Maryland, tờ Sunday Express kể về việc một người lính Ukraine đã bị lính đánh thuê Wagner bắt giữ và ‘cắt cụt cả hai cánh tay phía trên khuỷu tay trong trận chiến, rồi bị tay lính đánh thuê này chế nhạo.’ Cũng người lính Ukraine đó kể rằng, anh cũng phải chứng kiến ​​đồng đội của mình bị tra tấn như vậy sau đó.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/02/GettyImages-2013754111-1536x1024.jpg

Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 71 chuẩn bị đạn pháo về hướng Avdiivka, tỉnh Donetsk, Ukraine ngày 18 Tháng Hai, 2024. (Hình: Diego Herrera Carcedo/Anadolu via Getty Images)

 

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) tại The Hague ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì một loạt nghi phạm tội ác chiến tranh khi tấn công vào các địa điểm dân sự và sinh hoạt của thường dân. Nhưng vào năm ngoái, nhiều chỉ huy Nga cũng nối dài thêm danh sách bị cáo buộc là đã thực hiện những hành động tàn bạo khủng khiếp, bao gồm cả việc chặt đầu người Ukraine, bắt họ uống xăng trước khi phóng hỏa.

 

Một sĩ quan Ukraine phát biểu trên nền tảng mạng xã hội Telegram ‘Dmytro’ cho biết anh ta bị bắt cách đây năm tháng, trước khi được thả trong một cuộc trao đổi tù nhân. Anh kể lại các hành động dã man của những kẻ bắt giữ anh, khi ra lệnh cho các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ cánh tay của anh.

 

“Việc chữa thương sau đó thật tồi tệ, cánh tay của tôi bị cắt cụt và lẳng nhẳng những phần còn dính, chính xác là họ đã cắt đứt cả hai cánh tay,” anh kể.

 

“Khi cắt, họ nói với chúng tôi rằng ‘mày sẽ không chiến đấu nữa.’ Rõ ràng là họ muốn khủng bố tinh thần Ukraine bằng những người lính tật nguyền.”

 

Được Ủy Ban Châu Âu thành lập vào năm 2001, Cơ Chế Bảo Vệ Dân Sự của EU nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các nước EU và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cũng như ứng phó với thảm họa.

 

Hiện có hơn 3,000 binh sĩ Ukraine bị thương nặng đang được điều trị và phục hồi trên khắp châu Âu thông qua cơ chế này.

 

 

 



QUÂN NGA BỊ CÁO BUỘC BẮT CÓC NGƯỜI ĐÀN ÔNG MỸ ỦNG HỘ PUTIN (BTV Tiếng Dân)

 



Quân Nga bị cáo buộc bắt cóc người đàn ông Mỹ ủng hộ Putin

BTV Tiếng Dân

17/04/2024

https://baotiengdan.com/2024/04/17/quan-nga-bi-cao-buoc-bat-coc-nguoi-dan-ong-my-ung-ho-putin/  

 

LGT: Russell Bentley, còn được gọi là “Texas”, hay “Donbass Cowboy”. Ông ta sinh năm 1960, là người Mỹ lớn lên ở Texas. Nhưng ông ta là người cuồng Putin, ủng hộ Nga. Năm 2014, Bentley rời Mỹ, sang Nga để tham gia chiến đấu trong quân đội Nga, giúp Nga chiến đấu cho cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk”, “phi phát xít hóa” Ukraine. Năm 2020, Bentley nhập quốc tịch Nga.

 

Theo cảnh sát địa phương ở khu vực do Nga kiểm soát cho biết, ngày 8-4-2024 Bentley mất tích. Ngày 16-4-2024, báo Newsweek của Mỹ đưa tin: “Bí ẩn về vụ mất tích của người đàn ông Texas ở khu vực Ukraine bị Nga chiếm đóng, sau khi ông ta gia nhập quân đội của Putin”. Cũng hôm qua, vợ ông, bà Lyudmila Bentley lên Telegram kêu gọi mọi người làm tất cả những gì có thể làm được, để cứu chồng bà.

 

Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả Allison Quinn, về vụ mất tích của Russell Bentley mà báo Daily Beast đăng tải hôm nay, do Trúc Lam, một cộng tác viên của Tiếng Dân, chuyển ngữ:

 

                                                      ***

Người đàn ông Texas yêu Putin bị bắt cóc ở miền Đông Ukraine – Bị cáo buộc bởi quân Nga

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/04/1-50-1024x576.jpg

Ông Russell Bentley, hay Teax. Nguồn: Daily Beast/ VK

 

Vợ của Russell Bentley cho biết, ông ta đã bị lính Nga bắt cóc và hiện tại bạn bè của ông đang cố gắng vạch trần tin đồn về những hoạt động “đáng ngờ” của ông ta.

 

Câu chuyện bi thảm về một người Texas kém may mắn, người tự biến mình thành người phản bội và là một anh hùng chiến tranh ở một nước cộng hòa tự xưng của Nga, đã có một bước ngoặt bất ngờ trong tuần này khi anh ta được cho là bị quân đội Nga bắt cóc — sau khi bị cáo buộc là điệp viên của CIA.

 

Russell Bentley, còn có tên gọi khác là “Texas”, có lẽ là người cuối cùng lẽ ra phải thực hiện được kế hoạch gián điệp xảo quyệt trong gần 10 năm sống giữa các chiến binh Nga ở vùng Donetsk bị Ukraine chiếm đóng. Là người gốc Dallas, bị kết án về tội ma túy ở quê nhà, Bentley đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của quốc tế hồi năm 2014 khi người ta phát hiện anh ta đội chiếc mũ cao bồi cùng với các chiến binh Nga và đưa ra lời tuyên truyền của Điện Kremlin về “Đức Quốc xã” ở Ukraine. Anh ta có quốc tịch Nga hồi năm 2020 sau khi chuyển sang làm “nhà báo” cựu chiến binh trở về từ chiến trận, cho các phương tiện truyền thông do Điện Kremlin kiểm soát.

 

Tin tức về sự mất tích của ông ta hồi đầu tháng này hầu như không được chú ý cho đến khi vợ ông, bà Lyudmila Bentley, lên tiếng công khai hôm thứ Ba rằng, ông đã bị quân đội Nga bắt cóc và bị bắt làm con tin.

 

Lyudmila Bentley viết trong một tuyên bố trên Telegram: “Russell đã bị giam giữ một cách tàn bạo vào ngày 8 tháng 4. Tôi KÊU GỌI MỌI NGƯỜI làm MỌI THỨ CÓ THỂ để cứu chồng tôi, ‘Texas’ của chúng tôi”, bà nói và mô tả ông ta là “người bạn của Donbass và của Nga”.

Có lẽ, không còn nhiều thời gian nữa”, bà nói.

 

Các nhà tuyên truyền Nga nói rằng, ông Bentley đã biến mất sau khi tiếp cận địa điểm xảy ra các vụ pháo kích hoặc tấn công bằng súng cối gần đây, và một trang tin độc lập của Nga cho biết, ông đã chụp ảnh các tòa nhà bị hư hại. Chi tiết đó đã dẫn đến một loạt các thuyết âm mưu về việc Bentley có khả năng là một điệp viên trong một thời gian dài.

 

Hôm thứ Tư, bạn bè của Bentley đã tìm cách dập tắt những tin đồn đó, những người tự xưng là “anh em đồng đội” của ông ta, chỉ được xác định là Vasily, đăng tải một video để bác bỏ các tuyên bố rằng Bentley đã “quay phim gì đó trên điện thoại của ông ấy”.

 

Sau khi phát hiện điện thoại của Bentley bị đập nát, Vasily viết rằng, anh ta có thể kiểm tra nó sau đó và nói: “Tôi không tìm thấy BẤT KỲ HÌNH ẢNH hay VIDEO NÀO”.

 

Graham Phillips, một người phương Tây khác có liên hệ với lực lượng Nga ở miền đông Ukraine và biết Bentley, đã đưa ra tuyên bố của mình hôm thứ Tư rằng, “một bộ phận nhỏ nhưng tích cực trong cộng đồng Nga đã viết thư chống lại Texas, chẳng hạn như anh ta là ‘điệp viên Mỹ’ v.v…”

 

Kỳ lạ thay, sau khi viết rằng, những tuyên bố như vậy là “vô lý” và không công bằng vì Bentley không có mặt để phản biện, chính Phillips đã tiếp tục bôi nhọ một cách tinh vi việc ông Texas quay phim hoạt động quân sự, gọi việc làm như vậy là “bất hợp pháp và đáng ngờ”.

Tuy nhiên, anh ta nói: “Tôi mong điều tốt nhất, rằng Texas của chúng ta vẫn sống và khỏe mạnh”.

 

 




HƠN 50.000 LÍNH NGA THIỆT MẠNG TRONG 'CỐI XAY THỊT' (Olga Ivshina, Becky Dale và Kirstie Brewer | BBC Tiếng Nga)

 



Hơn 50.000 lính Nga thiệt mạng trong ‘cối xay thịt’

Olga Ivshina, Becky Dale và Kirstie Brewer

BBC Tiếng Nga

18 tháng 4 năm 2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c88zygxr1gno

 

Hơn 50.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Ukraine, BBC kiểm chứng và xác định.

 

Trong năm thứ hai của cuộc chiến, khi Moscow đẩy mạnh chiến thuật được gọi là “cối xay thịt”, chúng tôi phát hiện thấy rằng số người chết cao hơn 25% so với năm đầu tiên.

 

BBC Tiếng Nga cùng cơ quan truyền thông độc lập MediaZona và các tình nguyện viên đã bắt đầu đếm số binh sĩ thiệt mạng từ tháng 2/2022.

 

Những ngôi mộ mới trong nghĩa trang giúp cung cấp tên của rất nhiều binh sĩ.

 

Chúng tôi cũng thực hiện rà soát thông tin công khai từ các báo cáo chính thức, từ báo chí và mạng xã hội.

 

Theo phát hiện của chúng tôi, đã có hơn 27.300 binh lính Nga thiệt mạng trong năm giao tranh thứ hai.

 

Điều này phản ánh cái giá rất lớn về sinh lực mà Nga phải trả cho việc giành được lãnh thổ.

Phản hồi báo cáo của BBC, phía Nga nói rằng chỉ Bộ Quốc phòng ở Moscow mới có thể cung cấp thông tin về thương vong.

 

Thuật ngữ “cối xay thịt” được sử dụng để mô tả cách Moscow liên tục điều quân tiến công nhằm bào mòn lực lượng Ukraine và đồng thời xác định vị trí của binh lính đối phương cho pháo binh Nga.

 

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

 

 



LUẬT KHOA 360 : NGUYỄN NHẬT ANH, NHÃ NAM VÀ NGHI VẤN QUẤY RỐI TÌNH DỤC (Luật Khoa Tạp Chí)

 



Luật Khoa 360: Nguyễn Nhật Anh, Nhã Nam và nghi vấn quấy rối tình dục

LUẬT KHOA TẠP CHÍ

APRIL 18 2024    7:29 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/04/luat-khoa-360-nguyen-nhat-anh-nha-nam-va-nghi-van-quay-roi-tinh-duc/

 

Hình : https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/04/430924.jpeg

Giám đốc Nhã Nam Nguyễn Nhật Anh. Ảnh gốc: Nhã Nam / Thanh Niên. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

 

Từ những tin đồn trên Facebook, nghi án quấy rối tình dục ở Nhã Nam đang được chính người trong cuộc lên tiếng. Người bị tố cáo là Giám đốc Nguyễn Nhật Anh.

 

 

Ngọn nguồn

 

Ngày 15/4, cộng đồng quan tâm tới văn hóa đọc nước nhà bất ngờ khi Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã dừng hợp tác với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. 

 

·        Trong bài viết, ông Giang khẳng định, quyết định này hoàn toàn không tới từ một bất đồng liên quan tới tài chính hay tới chất lượng của việc sản xuất và phát hành sách. Tác giả “Đại dương đen” cho hay, ông đã “xem xét và suy nghĩ kỹ, và là hệ quả của một tình huống mà tôi mới được biết tới gần đây”.

 

·        Để lại bình luận vào bài viết này, trang tích xanh của Nhã Nam xác nhận việc dừng hợp tác với ông Giang từ ngày 15/4/2024.

 

·        Ngay trước và sau động thái này, tin đồn đã lan rộng về việc vị giám đốc Nhã Nam có hành vi “quấy rối tình dục” đối với nhân viên nữ.

 

Ngoài vai trò là nhà tâm lý, chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, nghiên cứu và vận động chính sách, tác giả của nhiều cuốn sách ăn khách, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang còn được biết đến là người có nhiều hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em. Ngay trước thông báo này, ông đã có nhiều bài trên trang Facebook cá nhân về vấn đề quấy rối tình dục. Do đó, nhiều người “hiểu ngầm” ra lý do ông quyết định như vậy.

 

 

Phản ứng của Nhã Nam 

 

·        Sau khi tin đồn lan rộng, fanpage Nhã Nam đã bình luận trong một số bài đề nghị công chúng thận trọng với tin đồn và đề cập tới khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý. Fanpage này cũng đồng thời xóa nhiều bình luận của những độc giả yêu cầu làm rõ tin đồn này.

 

·        Đến rạng sáng ngày 18/4, thông qua fanpage của Nhã Nam, ông Nguyễn Nhật Anh - giám đốc công ty - gửi lời xin lỗi tới nhân viên, bạn bè, đối tác và độc giả. Ông thừa nhận có một số hành động “thể hiện sự quan tâm, quý mến” nhân viên nữ, song “hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người”. Ông Nhật Anh cho biết, cuối tháng Ba, ông đã gửi lời xin lỗi đến nhân viên này.

 

·        Lúc 19:30 ngày 18/4, fanpage Nhã Nam đăng thông báo chính thức của công ty, tuyên bố đã tạm ngừng vị trí công tác của ông Nhật Anh, đồng thời xin lỗi nữ nhân viên cũ: "Chúng tôi thành thật xin lỗi vì những sự việc không hay xảy đến với cựu nhân viên của công ty, gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và tâm lý của chị. Chúng tôi đã sai trong việc tiếp nhận thông tin không kịp thời và xử lý chưa thỏa đáng. Chúng tôi xin lỗi về sự yếu kém này và sẵn lòng chịu hoàn toàn mọi phí tổn liên quan đến tổn thất về tinh thần và thể chất của chị."

 

 

Nhân vật chính chưa lên tiếng

 

·        Cho đến hiện tại, nhân viên nữ được vị giám đốc Nhã Nam xin lỗi chưa lộ danh tính; chưa rõ người này có động thái tố cáo ông Nhật Anh hay không. 

 

·        Mặc dù ở Việt Nam đã có luật quy định, điều chỉnh về hành vi quấy rối tình dục, tuy nhiên, vẫn có tới 87% phụ nữ Việt Nam nói mình từng là nạn nhân, theo một khảo sát của tổ chức Action Aid.

 

·        Trái với những vụ tấn công tình dục liên quan tới trẻ em vốn được xử lý khá triệt để, nhiều trường hợp phụ nữ lên tiếng tố cáo bị phớt lờ hoặc dấy lên một thời gian thì rơi vào quên lãng.

 

 

Phản ứng của công chúng

 

·        Trên fanpage công ty, trước khi có lời xin lỗi của ông Nhật Anh, nhiều người thả cảm xúc giận dữ và để lại bình luận trong các bài viết với nội dung sẽ tẩy chay thương hiệu nếu phía công ty không đưa ra thông báo, lời giải thích để độc giả hiểu đầu đuôi câu chuyện.

 

·        Tối 17/4, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thông báo ngừng hợp tác với Nhã Nam, đề nghị công ty này phải lên tiếng về sự việc. Ông Đăng là dịch giả có nhiều đầu sách được in ở Nhã Nam.

 

·        Ngày 18/4, sau lời xin lỗi của ông Nhật Anh, nhà báo - tác giả Trần Thu Hà tuyên bố dừng hợp tác với Nhã Nam. 

 

·        Sau khi ông Nhật Anh đăng lời xin lỗi, nhiều người bình luận rằng lời xin lỗi không chân thành, xin lỗi mà như không xin lỗi, cách xử lý khủng hoảng của Nhã Nam không đúng đắn dẫn đến việc đổ thêm dầu vào lửa.

 

·        Một luồng bình luận khác cho rằng cần phải có bằng chứng khi cáo buộc ông Nhật Anh và cần phải tách bạch giữa cá nhân ông Nhật Anh với công ty Nhã Nam.

 

 

Về Nhã Nam và ông Nguyễn Nhật Anh

 

·        Nhã Nam là công ty tư nhân, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa và xuất bản phẩm, hoạt động từ năm 2005 đến nay. 

 

·        Năm 2008, tập thơ “Trần Dần - thơ” của Trần Dần - nhân vật chủ chốt của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm - do Nhã Nam liên kết với NXB Đà Nẵng xuất bản bị đình chỉ phát hành, phạt hành chính vì bị cho là vi phạm Luật Xuất bản. Sự việc này được giới văn nghệ sĩ đánh giá là liên quan đến chính trị và viết thư ngỏ phản đối, đề nghị chính quyền thu hồi lại quyết định.

 

·        Năm 2016, Nhã Nam nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. 

 

·        Ông Nguyễn Nhật Anh - giám đốc công ty - vốn là dịch giả, biên tập viên. Năm 2018, ông được trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật của Pháp. 

 

·        Ông Nhật Anh cũng được công luận biết đến là con rể của cựu thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Việt Tiến. Hồi năm 2006, ông từng bị Bộ Công an triệu tập để làm rõ một số nội dung liên quan đến tài sản của bố vợ mình trong vụ án tham nhũng PMU18. Ông Tiến sau đó được miễn tố và khôi phục tư cách đảng viên.

 

 

Các vụ tố cáo thường bị chìm xuồng

 

Các cáo buộc quấy rối/ tấn công tình dục gần đây thu hút rất nhiều sự chú ý nhưng hầu hết đều bị chìm xuồng.

 

·        Năm 2018, nhà báo Anh Thoa (Đặng Anh Tuấn) của báo Tuổi Trẻ bị cáo buộc xâm hại tình dục một nữ cộng tác viên. Vụ việc sau đó được Công an quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) thụ lý nhưng quyết định không khởi tố vụ án với lý do không đủ chứng cứ để xác định dấu hiệu tội phạm.

 

·        Năm 2022, nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An cưỡng hiếp cô vào năm 2000 tại trụ sở báo này. Ông An sau đó gửi đơn lên Công an Hà Nội nhưng không nói rõ nội dung đơn.

 

·        Cũng trong năm 2022, vị giảng viên trưởng khoa L.M.T của Đại học Luật Hà Nội bị tố cưỡng hiếp, hành hung một phụ nữ. Vụ việc rộ lên rồi chìm xuống mà không có thêm thông tin nào.

 

 

Bình luận của Luật Khoa

 

Lưu ý: Đây chỉ là một quan điểm trong vô số quan điểm khác nhau. Nếu bạn có ý kiến phản hồi hoặc phản bác, bạn có thể hồi âm vào email này cho Luật Khoa.

 

·        Qua lời "xin lỗi" của ông Nguyễn Nhật Anh, công chúng biết chắc chắn đã có hành vi "quan tâm, quý mến" của ông Nhật Anh đối với nữ nhân viên dưới quyền. Nếu không ai lên tiếng thì chắc không bao giờ ông thừa nhận điều này, nạn nhân mãi mãi bị tra hỏi bằng chứng cùng ánh nhìn dò xét, nghi ngờ. 

 

·        Dò xét, nghi ngờ là việc chính đáng với cả hai bên. Một mặt, rất ít có khả năng một người phụ nữ dựng chuyện tố cáo sếp (cũ) của mình quấy rối tình dục. Cái giá của việc tố cáo là rất lớn, nhất là khi người bị tố cáo lại là người có vai vế trong xã hội. Ông Nhật Anh, như đã nói ở trên, không những là một người có quyền lực lớn trong ngành xuất bản, mà còn là con rể của một cựu thứ trưởng. Đó là chưa kể khả năng thắng trong các vụ việc này là rất thấp, một phần rất lớn do những rào cản pháp lý và văn hóa. Mặt khác, mọi lời tố cáo cần phải được kiểm chứng thông qua những tiêu chuẩn khắt khe và ông Nhật Anh luôn được hưởng quyền suy đoán vô tội cho tới khi có đầy đủ bằng chứng kết tội. Luôn tồn tại một khả năng ông Nhật Anh thực lòng tin rằng hành động của ông là phù hợp trong bối cảnh cụ thể đó và nạn nhân có thể có những trải nghiệm tồi tệ trước đây nên sẽ phản ứng gay gắt trên mức cần thiết. Dò xét, nghi ngờ người tố cáo ở mức độ lành mạnh, hợp lý là việc cần thiết.

 

·        Trong điều kiện cán cân quyền lực giữa hai bên chênh lệch nhau rõ rệt, bên cạnh việc nghi ngờ, dò xét cả hai bên một cách bình đẳng, thì việc bảo vệ người yếu thế cũng quan trọng không kém. Bảo vệ ở đây là tạo ra môi trường pháp lý và văn hóa đủ an toàn để họ được kể câu chuyện của mình và được lắng nghe. Chỉ khi nào nghe xong người ta mới nên phân tích và phán xét đúng sai. Không làm được việc đó thì câu chuyện không được kể ra, và tội ác tiềm tàng không những không bao giờ bị vạch mặt mà còn có thể lặp lại trong tương lai. Nạn nhân tiếp theo có thể chính là ai đó trong chúng ta hoặc người thân của của chúng ta.

 

·        Những lời tố cáo và những người đứng về phía những người tố cáo có thể có những biểu hiện thái quá cả về cảm xúc lẫn lý trí. Đó là chuyện bình thường với bất kỳ ai đi tố cáo chứ không chỉ riêng những người phụ nữ tố cáo quấy rối tình dục. Một người đàn ông đi tố cáo cũng có thể có những biểu hiện tương tự. Trong khi có thể phê phán những biểu hiện thái quá, có hai điều những người quan sát có thể cân nhắc: (1) thông cảm cho những biểu hiện thái quá đó và (2) phê phán những biểu hiện thái quá nhưng không vì thế mà phủ nhận những lời tố cáo của họ.

 

·        Có ý kiến cho rằng cần tách bạch cá nhân Nguyễn Nhật Anh và công ty Nhã Nam. Điều này e rằng không thực sự thỏa đáng nếu xem xét đến một số yếu tố khác. Chẳng hạn, nếu vụ việc diễn ra ở công ty và nếu ông Nhật Anh lợi dụng địa vị cấp trên của mình để quấy rối nữ nhiên viên thì rất khó có thể tách bạch công ty ra khỏi con người. Bên cạnh đó, luôn tồn tại một khả năng cơ chế và văn hóa công ty tác động tới cách công ty phản ứng trước các hành vi quấy rối tình dục và các cáo buộc quấy rối tình dục diễn ra trong tổ chức mình.

 

 

--------------------------------------

 

Đọc thêm:

Xâm hại tình dục: Xin lỗi nạn nhân như thế nào cho phù hợp?

 

3 vụ tố cáo tấn công tình dục bị “chìm xuồng” năm 2022

 

“She said” – Lần theo dấu vết của phóng sự điều tra đã kích hoạt #metoo






GIẢI CỨU SCB : LỢI BẤT CẬP HẠI (Hiếu Chân / Người Việt)




 

Giải cứu SCB: Lợi bất cập hại!

Hiếu Chân/Người Việt

April 19, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/giai-cuu-scb-loi-bat-cap-hai/

 

Không ngoài dự đoán của giới quan sát, chính phủ Việt Nam đã bơm tiền cứu ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan, ngăn chặn một vụ sụp đổ dây chuyền cả hệ thống tài chính quốc gia. Nhưng cứu được không? Và bao nhiêu tiền là đủ?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/A1-Giai-cuu-SCB-1536x1024.jpg

Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (gọi tắt là SCB) của đại gia Trương Mỹ Lan được chính phủ Việt Nam bơm tiền cứu. (Hình: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Hãng tin Reuters tiết lộ hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư, rằng Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) “đã bơm gần $24 tỷ vào ngân hàng SCB để ngăn ngân hàng này sụp đổ, và khoản vay đặc biệt đó cho nhà băng đã tiếp tục ít nhất là đến đầu Tháng Tư.”

 

Sang Thứ Bảy, 19 Tháng Tư, tại cuộc họp báo của NHNN, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc, chính thức xác nhận việc bơm tiền giải cứu SCB nói trên nhưng không xác nhận số tiền bơm ra là bao nhiêu. “SCB đã gây khó khăn hoặc có lẽ đang bị khủng hoảng. Giống như mọi ngân hàng trung ương khác, chúng tôi phải can thiệp. Điều đó phù hợp với quy định của chúng tôi,” ông Tú nói tại cuộc họp báo, theo Reuters.

 

Tại sao phải bỏ ra một số tiền khổng lồ, $24 tỷ như vậy chỉ để giải cứu một ngân hàng? Ông Tú cho biết “SCB là ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn. Do đó đòi hỏi giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện.” Ông nhấn mạnh, việc can thiệp vào nhà băng SCB là để “bảo đảm sự ổn định cho ngân hàng, ổn định hệ thống và bảo đảm an ninh trật tự xã hội,” theo báo Tuổi trẻ.

 

Quy mô của SCB lớn cỡ nào? Theo phiên tòa xử bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra thì vào Tháng Mười, 2022, SCB có vốn điều lệ 15,231 tỷ đồng ($598.5 triệu) với 4,129 cổ đông, trong đó bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu, chi phối gần 91.536% vốn điều lệ. Vốn ít như vậy nhưng theo báo cáo tài chính quý 2, 2022, của SCB, ngân hàng này đã huy động 594,630 tỷ đồng ($23.3 tỷ) tiền gửi của khách hàng, nhiều gấp 40 lần vốn. Có lẽ số tiền $24 tỷ mà NHNN phải gấp rút bơm vào SCB là nhằm trả cho người gửi tiền, tránh hiện tượng người dân lũ lượt giăng biểu ngữ phản đối, đòi tiền, làm mất an ninh trật tự xã hội mà ông Tú lo sợ.

 

Do SCB tồn tại chủ yếu để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của gia tộc bà Trương Mỹ Lan nên ngân hàng này sử dụng nhiều thủ đoạn để thu hút người dân gửi tiền, như đưa ra mức tiền lời cao hơn hẳn so với tất cả các ngân hàng khác. Tiền cho bà Lan vay chiếm tỷ lệ tới 97% tổng số tiền cho vay của ngân hàng SCB. Theo bản cáo trạng được trình bày tại tòa, trước khi bị bắt vào Tháng Mười năm ngoái, bà Lan và tay chân đã kịp chiếm đoạt của nhà băng SCB mà không có khả năng trả lại 304,096 tỷ đồng ($11.9 tỷ), cộng thêm số tiền lãi phát sinh 129,372 tỷ đồng ($5 tỷ) thành 433,000 tỷ đồng ($17 tỷ). Số tiền khổng lồ này bà ta dùng đầu tư vào hàng ngàn bất động sản, tiêu xài vương giả và hối lộ cho các quan chức chóp bu.

 

Riêng về hành vi hối lộ, bà Trương Mỹ Lan được tiếng là người rất hào phóng, sẵn sàng ném ra những khoản tiền lớn cho các quan chức có thẩm quyền có thể giúp bà đạt được mục đích. Chỉ để sửa đổi kết luận thanh tra theo hướng có lợi cho bà, bà Lan đã biếu không cho trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn $5.2 triệu, khoản tiền mà một người lao động nằm mơ cũng không thấy được. Bà Lan đã cho tay chân mang $1 triệu tiền mặt ra Hà Nội cống nạp cho tướng công an Phạm Quý Ngọ chỉ để viên tướng này ủng hộ bà ta tranh giành miếng đất cảng Khánh Hội khi hoạt động cảng chuyển ra Nhà Bè…

 

Không ai biết được, trong hơn 10 năm làm mưa làm gió ở thành Hồ, bà Trương Mỹ Lan đã đổ ra bao nhiêu tiền để hối lộ, chỉ biết chắc rằng không có sự bảo kê, đỡ đầu mà những khoản hối lộ này mua về, sẽ không có bà Trương Mỹ Lan đứng trước tòa hôm nay. Những khoản tiền hối lộ như vậy bây giờ đã biến thành biệt phủ, thành tài sản của nhiều quan chức, những kẻ giấu mặt đằng sau chiếc váy của người đàn bà mà phiên tòa vừa qua chưa dám đụng tới.

 

Hình dung một cách đơn giản thì ngân hàng SCB huy động tiền của người dân, cung cấp cho bà Trương Mỹ Lan, bà này hối lộ cho các quan chức, rồi bây giờ bà Lan bị án tử hình còn NHNN bơm tiền ra để cứu ngân hàng SCB. Khoản tiền giải cứu khổng lồ này không tự dưng mà có mà lấy từ ngân sách, nghĩa là từ tiền người dân và doanh nghiệp đóng thuế, từ bán tài nguyên quốc gia. Xét cho cùng, đất nước thiệt đơn thiệt kép, chỉ các quan chức giấu mặt được hưởng lợi.

 

Số tiền giải cứu $24 tỷ nhiều hay ít? Số tiền này tương đương 5.6% tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam. Để dễ tưởng tượng, thử làm một vài so sánh nho nhỏ. Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của chính phủ Việt Nam, Bộ Y Tế được phân bổ mỗi năm khoảng 7,627 tỷ đồng ($299.7 triệu) để lo việc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho gần một trăm triệu dân. Số tiền $24 tỷ bơm cho nhà băng SCB đủ để cho Bộ Y Tế hoạt động hơn 78 năm!

 

Nếu không cứu SCB, số tiền này thừa đủ cho Việt Nam xây hai phi trường quốc tế Long Thành để bổ sung cho phi trường Tân Sơn Nhất đang bị quá sức chứa trầm trọng. Đổ tiền ra cứu ngân hàng SCB có nghĩa là nhiều khoản đầu tư thiết yếu cho nền kinh tế và đời sống người dân sẽ bị gác lại trong khi các nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện luôn là nỗi bất bình của xã hội. Các tỉnh miền Tây Nam phần đang bị hạn hán dữ dội, nước cho hàng triệu người bị nhiễm mặn không uống được mà chính quyền vẫn bình chân như vại là một ví dụ bởi vì tiền bạc dùng để cứu ngân hàng thay vì xây hệ thống lọc nước, cung cấp nước cho dân.

 

Đây không phải là lần đầu tiên NHNN lấy tiền của ngân khố quốc gia giải cứu các ngân hàng dù hành động đó bị giới chuyên viên phê phán. Giai đoạn 2011-2013, hàng loạt ngân hàng đứng trên bờ vực sụp đổ, hàng loạt đại gia lâm vào vòng lao lý như các ông bà Trầm Bê của ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Trần Bắc Hà – ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), Hà Văn Thắm – ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Nguyễn Đức Kiên – ngân hàng Á Châu (ACB), Hứa Thị Phấn – ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Phạm Công Danh – ngân hàng Xây Dựng (VNCB)… Thay vì để cho các ngân hàng này bị phá sản, bị đào thải theo quy luật thị trường thì NHNN đã đứng ra bơm tiền giải cứu rồi nhập chúng thành các ngân hàng mới. Cách điều hành thị trường như vậy đã làm sụp đổ nguyên tắc và đạo đức kinh doanh. Thay vì phải chịu trách nhiệm, các đại gia ngân hàng nghĩ rằng, họ cứ thao túng thị trường, cứ rút ruột ngân hàng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và vàng, có thua lỗ thì đã có NHNN hậu thuẫn, không việc gì phải lo sợ. Chính hành động giải cứu vô nguyên tắc đó là một trong những yếu tố làm nảy sinh hiện tượng Trương Mỹ Lan-SCB và cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.

 

Có điều, so với mười năm trước, cuộc khủng hoảng hiện nay trầm trọng hơn rất nhiều. Ngân hàng SCB chỉ là một quân cờ domino đã đổ trên bàn cờ tài chính Việt Nam, còn không ít ngân hàng khác cũng bị lũng đoạn như vậy, cũng hoạt động theo phương thức của SCB mà chưa bị sờ đến. Dư luận đang truyền tai nhau những tin đồn giật mình về các “ông lớn” khác, quy mô không nhỏ hơn SCB và cũng bị các đại gia bất động sản lũng đoạn. Chỉ riêng với SCB, NHNN đã phải bơm ra $24 tỷ, mai mốt đến lượt các quân cờ domino khác ngã thì NHNN sẽ phải bỏ ra bao nhiêu tiền nữa để giải cứu?

 

Số tiền giải cứu SCB tương đương với 25% tổng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam. Hãng tin Reuters nhận định nếu cứ bơm tiền giải cứu như thế thì chẳng mấy chốc kho bạc nhà nước sẽ cạn kiệt. Nhưng hầu như các quan chức lãnh đạo ngành tài chính Việt Nam chẳng quan tâm tới những lời cảnh báo như vậy. Họ chỉ cố duy trì sự ổn định và trật tự xã hội theo chỉ thị của đảng cầm quyền.

 

Nhưng xã hội có ổn định được hay không là chuyện khác. Bơm tiền để duy trì các ngân hàng yếu kém, tránh sự sụp đổ dây chuyền theo kiểu quân cờ domino là biện pháp tốn kém và không giải quyết được gốc rễ vấn đề, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ xấu tăng cao, đồng tiền mất giá, lạm phát phi mã mà cuối cùng nền kinh tế và người dân phải chịu thiệt hại. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng bạc Việt Nam đang bị phá giá mạnh do hành vi bơm tiền của NHNN; mấy hôm gần đây tỷ giá chính thức đã vượt mức 25,000 đồng ăn $1, còn giá vàng thì nhảy múa ở mức trên 80 triệu đồng ($3,140) mỗi lượng. Bóng ma lạm phát phi mã đã bắt đầu đè nặng lên cuộc sống đã hết sức khốn khó của người Việt.

 

Khi bơm tiền giải cứu SCB, giới chức NHNN hy vọng sẽ thu hồi lại bằng việc bán “thanh lý” các tài sản của bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang bị tịch thu. Nhưng kinh nghiệm từ các vụ án như Tăng Minh Phụng, EPCO trước đây cho thấy, việc bán tài sản “thanh lý” chỉ là dịp để các quan chức và các nhóm lợi ích dấm dúi chia chác cho nhau các tài sản đó giống như việc bán sang tay các dinh thự của chính quyền miền Nam hoặc biệt thự của các gia đình giàu có ở Sài Gòn ngày trước. Của một đồng có khi bán chỉ một xu. Tài sản của gia tộc bà Trương Mỹ Lan còn rất nhiều và ngân hàng SCB đang đòi quản lý nhưng cho dù có bán hết thì cũng không đủ để trả lại khoản tiền giải cứu $24 tỷ mà NHNN đã bơm ra.

 

Rốt cuộc, thay vì cải cách tận gốc cung cách quản lý hệ thống ngân hàng để trong tương lai không còn những vụ như Trương Mỹ Lan và SCB thì NHNN lại đem muối bỏ biển, bất chấp những thiệt hại to lớn cho đất nước và nền kinh tế. [qd]







TRUMP GẶP ORBAN , DUDA, CAMERON, NÓI CHUYỆN VỚI BIN SALMAN PHÒNG KHI ÔNG THẮNG CỬ (Người Việt)

 



Trump gặp Orbán, Duda, Cameron, nói chuyện với bin Salman phòng khi ông thắng cử

Người Việt

April 19, 2024

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/trump-gap-orban-duda-cameron-noi-chuyen-voi-bin-salman-phong-khi-ong-thang-cu/

 

PALM BEACH, Florida (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump đang được một số lãnh tụ thế giới trông đợi sẽ quay trở lại nắm quyền tổng thống lần thứ nhì và sẽ đem lại những thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, tờ The Hill loan tin hôm Thứ Sáu, 19 Tháng Tư.

 

Hôm Thứ Tư, ông Trump đã gặp gỡ tại Tòa Tháp Trump với Tổng Thống Ba Lan Andrzej Duda tiếp theo sau cuộc gặp gỡ mấy tuần trước đây với Thủ Tướng Hungary Viktor Orbán và Ngoại Trưởng Anh David Cameron. Và mới đây nhất, còn có tin ông đã điện đàm với  Thái Tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Saudi.

 

Các chuyên gia cho rằng chẳng có gì lạ khi các chính khách ngoại quốc nói chuyện với một ứng cử viên tổng thống trước cuộc bầu cử, nhưng các cuộc thảo luận giữa các vị đó cho thấy rằng các nhà lãnh đạo thế giới đang cố tìm hiểu thêm về ông Trump và những gì ông có thể làm phòng khi ông thắng cử vào Tháng Mười Một này.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/04/GettyImages-1332866553-1536x1024.jpg

Một người mặc áo thun có hình Donald Trump và dòng chữ “Có nhớ tôi chưa?” ngày 7 Tháng Tám, 2021 ở Esztergom, Hungary (Hình: Janos Kummer/Getty Images)

 

“Mọi người đều tìm kiếm các dấu hiệu về những gì ông Trump sẽ làm nếu ông thắng một nhiệm kỳ thứ hai,” theo lời của Richard Fontaine, nguyên là một giới chức Bộ Ngoại Giao Mỹ và tổng giám đốc Trung Tâm An Ninh Hoa Kỳ Thời Mới. “Một phần của lý do này là vì họ muốn tìm kiếm các biến chuyển căn bản nào đó có thể xảy ra… và một điều nữa là, ngay cả chỉ trong bốn năm kế tới thôi, xem thử ông ấy thay đổi bất thường ra sao, đại khái là như thế,” ông Fontaine nói thêm.

 

Hồi đầu tháng này, ông Trump đã gặp Thủ Tướng Hungary Orbán, nhà độc tài chuyên ca ngợi ông Trump, một khuôn mặt mà ai cũng biết tiếng trong giới bảo thủ Mỹ, và ông Trump từng cho biết, nếu được tái cử, ông sẽ không cho thêm Kyiv “lấy một xu nào nữa.”

 

Vị cựu tổng thống Mỹ cũng còn gặp gỡ Ngoại Trưởng Anh Cameron, và hai người đã bàn về cuộc chiến tranh đang tiếp diễn tại Ukraine. Và vào tối Thứ Tư vừa qua, ông Trump cũng còn hội đàm với Tổng Thống Duda trong hai tiếng rưỡi đồng hồ về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến tranh Ukraine, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cùng các cam kết viện trợ Ukraine của Khối NATO.

 

Tờ The New York Times loan tin, vào hồi đầu tháng, cựu Tổng Thống Trump cũng có nói chuyện qua điện thoại với vị thái tử nhiếp chính của Ả Rập Saudi, một quốc gia có thế 

 





TRUNG QUỐC CHỈ TRÍCH VIỆC HOA KỲ TRIỂN KHAI PHI ĐẠN TẦM TRUNG Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG (VOA News)

 



Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ triển khai phi đạn tầm trung ở Châu Á-Thái Bình Dương

VOA News

20/04/2024

 https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-chi-trich-my-trien-khai-phi-dan-tam-trung-chau-a-thai-binh-duong/7577580.html

 

Các quan chức Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ triển khai phi đạn tầm trung ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0a00-0242-1119-08dc606b5ee9_w1023_r1_s.jpg

Giàn phóng phi đạn Năng lực Tầm trung (MRC) đến Bắc Luzon, Philippines, ngày 8 tháng 4 năm 2024.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lâm Kiếm, tại một cuộc họp báo thường kì hôm 18/4 nói Trung Quốc “bày tỏ lo ngại sâu sắc” và “phản đối mạnh mẽ việc Mỹ… tăng cường bố trí thị uy ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc nhằm tìm kiếm lợi thế quân sự đơn phương.”

 

Quân đội Mỹ đầu tuần này xác nhận rằng vào ngày 11 tháng 4, họ đã bố trí một hệ thống phi đạn tầm trung ở phía bắc đảo Luzon của Philippines như một phần của cuộc tập trận quân sự chung mang tên Salaknib 24. Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, Mỹ triển khai một hệ thống như vậy ở Châu Á.

 

Hệ thống này là giàn phóng Typhon mới nhất của Lục quân Mỹ, theo báo Stars and Stripes. Nó là một hệ thống trên bộ có thể bắn nhiều phi đạn khác nhau, bao gồm phi đạn siêu thanh SM-6, với tầm bắn khoảng 450 km và phi đạn hành trình Tomahawk, với tầm bắn tối đa 2.500 km.

 

Điều đó có nghĩa là hệ thống này có khả năng bao phủ không chỉ toàn bộ eo biển Đài Loan và eo biển Luzon của Philippines mà còn cả các thành phố quan trọng nhất nằm trên bờ biển phía đông Trung Quốc và các căn cứ quân sự của Trung Quốc trong và xung quanh Biển Đông.

 

Stars and Stripes mô tả hệ thống này “được triển khai tạm thời” cho các cuộc tập trận. Janes, một công ty tình báo và quốc phòng nguồn mở, dẫn lời người phát ngôn quân đội Philippines cho biết hệ thống phi đạn này sẽ chỉ được quân đội sử dụng trong cuộc tập trận Salaknib 24, kết thúc vào ngày 19/4 và trong cuộc tập trận Balikatan 24 sắp tới, bắt đầu vào ngày 22/4 và kết thúc vào ngày 10/5.

 

Bắc Kinh coi đảo Đài Loan tự trị và được cai trị dân chủ là một tỉnh li khai và một ngày nào đó phải thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

 

Quân đội Mỹ năm ngoái đã công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn ở Thái Bình Dương trong năm nay, nhưng điểm đến không được nêu rõ.

 

Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân Mỹ Charles Flynn hồi đầu tháng này nói với truyền thông Hàn Quốc rằng phi đạn sẽ sớm được triển khai, mặc dù ông không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể.

 

Trung Quốc đã cảnh báo chớ có thực hiện kế hoạch này.

 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuần trước gọi đây là “một bước đi nguy hiểm sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của các nước trong khu vực và làm suy yếu hòa bình, ổn định khu vực.”






View My Stats